Trong bán lẻ dù là online hay offline thì việc tìm kiếm nhà bán sỉ, nhà cung cấp nguồn hàng luôn được đánh giá là yếu tố quan trọng nhất khi bắt đầu kinh doanh. Bởi lẽ nhà cung cấp là nhân tố cốt lõi ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hàng hóa, giá cả sản phẩm, từ đó giúp bạn thu hút khách hàng và tối ưu lợi nhuận. Vậy đâu là các tiêu chí bạn cần xem xét khi lựa chọn nhà bán sỉ, nhà cung cấp để công việc kinh doanh của bạn trở nên thật thuận lợi và suôn sẻ?
+ Nhà cung cấp là gì?
Trước tiên, chúng ta hãy nhắc lại một chút như thế nào là “nhà cung cấp” nhé! Nhà cung cấp được hiểu đơn giản là một bên (có thể là một doanh nghiệp, một công ty hoặc cá nhân) cung cấp hàng sỉ cho shop của bạn. Trong thị trường kinh doanh, nhà cung cấp có thể là nhà sản xuất, nhà cung ứng, nhà phân phối, nhà bán sỉ, đại lý bán sỉ, bán buôn,… Và có thể trong quá trình kinh doanh, bạn có thể hợp tác không chỉ một mà là nhiều nhà cung cấp cùng lúc. Ví dụ: bạn bán lẻ quần áo, thì bạn sẽ hợp tác với nhà cung cấp sỉ quần áo và nhà cung cấp sỉ bao bì đựng hàng.
+ 5 Tiêu chí đánh giá và lựa chọn nhà cung cấp
1/ Chất lượng sản phẩm rất quan trọng
Chất lượng sản phẩm luôn là tiêu chí hàng đầu để lựa chọn nhà cung cấp cho shop bán lẻ. Một nhà cung cấp tốt nên có những cam kết về chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ bảo hành, đổi trả sản phẩm hư tổn.
Để biết được nhà cung cấp mà bạn muốn hợp tác có đưa tới sản phẩm có chất lượng hay không, bạn cần thu thập đầy đủ thông tin về sản phẩm và nhà cung cấp hiện tại qua nhiều nguồn thông tin khác nhau, như từ người thân, bạn bè hay qua trải nghiệm thực tế của mình để có thể đưa ra được đánh giá chuẩn xác nhất.
2/ Tỷ lệ hàng hóa hư hỏng
Ở bất cứ nhà cung cấp, nhà bán sỉ nào, việc luôn đem tới nguồn hàng chất lượng, không hư hỏng là điều rất khó và hầu như không thể. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà ta luôn chấp nhận các lô hàng hư hỏng mà phải tính toán được tỷ lệ hàng hóa hư hỏng sao cho bạn không bị chịu thiệt hại nhiều.
Khi lựa chọn được nhà cung cấp, bạn phải luôn theo dõi được số lượng/tỷ lệ hàng hóa hư hỏng khi được giao hàng đến hoặc hư hỏng do chất lượng xuống thấp không đảm bảo các tiêu chuẩn đã cam kết (sau khi kiểm tra chất lượng).
Tỷ lệ cần xác định gồm tỷ lệ hàng hóa hư hỏng trên mỗi đơn hàng được giao, tỷ lệ đơn hàng có hư hỏng trên tổng đơn hàng theo kỳ thống kê, giá trị hàng hóa hư hỏng theo đơn hàng và tổng giá trị hư hỏng theo kỳ thống kê. Từ các số liệu trên, bạn sẽ dễ dàng so sánh các nhà cung cấp của cùng nhóm mặt hàng để ra quyết định mua hàng phù hợp.
3/ Thời gian giao hàng có đúng hẹn hay không
Một yếu tố không kém phần quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là thời gian giao hàng. Việc nhà cung cấp giao hàng đúng hẹn như đã thỏa thuận sẽ giúp bạn nắm chính xác năng lực của nhà cung cấp cũng như mức độ tin cậy của họ đối các đơn hàng trong tương lai.
4/ Giá đầu vào của sản phẩm
Giá đầu vào hay giá sỉ sản phẩm là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của cửa hàng. Nếu bạn nhập về sản phẩm có giá vốn thấp, bạn có thể bán ra với giá lẻ cạnh tranh và dễ thu hút khách hàng hơn, đúng không nào? Một cách đơn giản, với cùng loại hàng hóa và chất lượng như nhau, nhà cung cấp nào có thể cung cấp cho bạn mức giá sỉ “mềm” hơn thì nhà đó hoàn toàn xứng đáng để bạn hợp tác.
5/ Chính sách bảo hành hoặc đổi trả sản phẩm
Đúng vậy, bạn sẽ phải cân nhắc rất kỹ các điều khoản bảo hành sản phẩm, đổi trả sản phẩm từ nhà cung cấp. Như đã nói ở tiêu chí 2, trong một lô hàng số lượng lớn, sẽ có một vài sản phẩm bị lỗi do quá trình sản xuất như đường may đứt chỉ (đối với mặt hàng quần áo), keo dán bong tróc (đối với mặt hàng giày dép),… Do đó, trước khi quyết định lấy hàng, bạn phải hỏi nhà cung cấp rõ ràng về việc bảo hành cũng như có cho đổi trả sản phẩm lỗi hay không? Đây chính là một trong những quyền lợi quan trọng hàng đầu mà bạn cần phải biết khi hợp tác với nhà cung cấp. Và nếu nhà cung cấp có các chính sách bảo hành, đổi trả sản phẩm hợp lý thì đó là một điểm cộng rất lớn.
Một số lưu ý khi hợp tác với nhà cung cấp
Và sau đây là một số lưu ý mà chắc chắn sẽ giúp bạn trở nên chủ động rất nhiều trong quá trình hợp tác kinh doanh cùng với các đối tác cung cấp.
*Hỏi về mức chiết khấu tốt nhất: Trước khi ký 1 hợp đồng, bạn hãy hỏi nhà cung cấp về những điều khoản về giá cả, chiết khấu… Bạn phải hỏi họ làm thế nào để được mức chiết khấu tốt nhất, cụ thể hơn là bạn phải lấy bao nhiêu sản phẩm trong một đơn hàng, chẳng hạn thế.
*Thúc đẩy thêm mối quan hệ với nhà cung cấp: Không phải khách hàng nào cũng muốn tăng cường mối quan hệ làm ăn với nhà cung cấp của họ. Vì thế nhà cung cấp sẽ không đề cập trước với bạn vấn đề này mà bạn hãy hành động trước. Bạn hãy thảo luận với nhà cung cấp về một số vấn đề mà bạn nghĩ họ cần cải thiện như nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, giảm sai sót trong sản xuất và giảm chi phí… Có thể nhà cung cấp hiện giờ của bạn chưa thực hiện điều này với bất kỳ khách hàng nào, nhưng tại sao không nghĩ bạn là người đầu tiên!
*Nhà cung cấp mất uy tín: Khi 1 nhà cung cấp bắt đầu chuyển hàng trễ nải, hàng hóa bị hư hỏng quá nhiều… bạn hãy chỉ ra cho họ thấy và nếu như họ vẫn bảo thủ không chịu sửa đổi, bạn hãy chuyển sang 1 nhà cung cấp ưu việt hơn.
*Khi có quá nhiều chi phí phụ trội: Nếu một nhà cung cấp không sẵn sàng cùng bạn chia sẻ những khoản chi phí từ nhỏ nhất như tiền vận chuyển cho đơn hàng lớn, tiền chiết khấu cho bên trung gian,… đến những chi phí lớn như giải quyết hậu quả của lô hàng bị lỗi, kiểm tra chất lượng hàng hóa. Trong khi những chi phí này là hoàn toàn hợp lý, thì có lẽ cách tốt nhất là bạn nên tìm một nhà cung cấp khác tốt hơn.
*Việc tìm nhà cung cấp không hoàn toàn là “tìm kim đáy biển”. Trước hết, hãy nỗ lực tìm các nhà cung cấp, nhà phân phối sản phẩm theo nhiều kênh khác nhau và sau đó, dựa theo những tiêu chí mà chúng tôi vừa chia sẻ với bạn để lựa chọn hoặc thay đổi nhà cung cấp phù hợp nhất với đặc thù kinh doanh của bạn. Chúc bạn thực hiện thành công và kinh doanh thuận lợi!